Lượt xem: 464

Quân đội nhân dân Việt Nam: Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, 34 cán bộ, chiến sĩ đã long trọng tuyên đọc “Mười lề thề danh dự”, trong đó lời thề thứ nhất khẳng định, quân đội sẵn sàng “hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật - Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”.


Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I - Quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944). (Ảnh tư liệu TTXVN)

    Từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu, lần thứ bảy và đặc biệt là Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5/1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo, Đảng đã quyết định chuyển hướng cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, trên cơ sở các đội vũ trang cách mạng ở Việt Bắc, ngày 22/12/1944, tại châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập.

    Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có 34 đội viên, trong đó có 4 người dân tộc Kinh, 20 người là dân tộc Tày, 8 người là dân tộc Nùng, 1 người dân tộc Mông, 1 người dân tộc Dao Tiền, có 28 người quê ở Cao Bằng, 2 người quê ở Quảng Bình, 1 người quê ở Lạng Sơn, 2 người quê ở Thái Nguyên, 1 người quê ở Thái Bình và hoàn toàn là nam giới. 34 đội viên là những đồng chí trung kiên nhất của các đội vũ trang Cao - Bắc - Lạng, một số trong đội quân Nam tiến; một số trong Cứu quốc quân, có người đã đi học quân sự ở nước ngoài về.

    Đội trưởng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đồng chí Hoàng Sâm, Chính trị viên là đồng chí Xích Thắng. Đội có một chi bộ Đảng, gồm bốn đồng chí, làm hạt nhân lãnh đạo.

    Vũ khí trang bị cho Đội có 2 súng thất cửu, 17 súng trường, 14 súng kíp. Hai ngày trước lễ thành lập có một số vũ khí gồm 1 súng tiểu liên do Mỹ sản xuất, 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 1 hộp nổ do ông bà Tống Minh Phương và anh em Việt kiều ở Côn Minh gửi tặng. Đội có 500 đồng chi phí quân nhu.

    Việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử quân đội ta. Chỉ thị của Hồ Chủ tịch tuy ngắn nhưng rất súc tích bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta: Vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng võ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng võ trang, Hồ Chủ tịch đã có những nhận định tiên tri: “…Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”. Chính vì ý nghĩa đó, ngày 22/12/1944 được chọn làm ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

    Thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch “Trận đầu phải thắng”, chỉ hai ngày sau khi thành lập, với lối đánh bất ngờ, dũng cảm, mưu trí, Đội đã đánh thắng hai trận đầu liên tiếp đồn Phai Khắt (24/12) và Nà Ngần (25/12/1944) trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn “ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày hai trận”, mở đầu cho truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng ngay trận đầu. Ngày 15/5/1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân đã thống nhất lại mang tên Việt Nam Giải phóng quân - trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

    Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Việt Nam Giải phóng quân có vai trò rất quan trọng: Ngày 13-8, từ cây đa Tân Trào, đơn vị chủ lực Việt Nam Giải phóng quân đã tiến về thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Lực lượng vũ trang đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chính trị, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

    Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, quân đội mang tên Vệ quốc đoàn. Năm 1946, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội quốc gia Việt Nam và năm 1950 mới đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

    Trải qua chín năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của địch, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), đã buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Lần đầu tiên trên thế giới, ở một nước thuộc địa, một đội quân nhỏ bé, trang bị thô sơ đã đánh bại quân đội nhà nghề của một đế quốc thực dân.

Ảnh minh họa. Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

    Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, việc “xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại” được đẩy mạnh, Quân đội đã từng bước được xây dựng ngày càng vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Cùng với sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân và sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Quân đội đã trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, trở thành trụ cột vững chắc cho cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

    Qua thực tiễn chiến đấu, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng sắc bén, hoàn hảo, làm thất bại các chiến lược chiến tranh cùng với các hình thức chiến thuật của địch. Cùng với quân, dân miền Nam, quân và dân miền Bắc cũng liên tục đánh bại các đợt tiến công và những nỗ lực chiến tranh cao nhất của hải quân và không quân Mỹ. Những chiến thắng to lớn của quân, dân hai miền Nam - Bắc, đặc biệt là thắng lợi của quân, dân miền Bắc trong việc đánh bại cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm bằng pháo đài bay B-52 trên bầu trời Hà Nội đã buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn dân tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

    Sau ngày giải phóng đất nước, Quân đội lại bước vào cuộc trường chinh mới, chiến đấu giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Lào bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc.

    Nhìn lại mốc son chói lọi trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, có thể thấy, quân đội ta từ một lực lượng nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ ngày đầu thành lập đã vươn lên thành một đội quân hùng hậu, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đánh thắng những đội quân hùng mạnh nhất trong những trận chiến được ghi vào lịch sử quân sự thế giới, tô đậm thêm truyền thống: “... Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng...”./.
Quốc Hùng


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 30
  • Hôm nay: 10410
  • Trong tuần: 78,715
  • Tất cả: 11,851,507